Suy Niệm Lời Chúa | Thứ Sáu Tuần XX Mùa Thường Niên | Mt 22,34-40 | Phút Cầu Nguyện

SUY NIỆM LỜI CHÚA
THỨ SÁU TUẦN XX MÙA THƯỜNG NIÊN

 

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu (22,34-40)

34 Khi ấy, nghe tin Đức Giêsu đã làm cho nhóm Xa-đốc phải câm miệng, thì những người Pha-ri-sêu họp nhau lại. 35 Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giêsu để thử Người rằng: 36 Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?”. 37 Đức Giêsu đáp: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. 38 Đó là điều răn trọng nhất và điều răn thứ nhất. 39 Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. 40 Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy”.

SUY NIỆM

Chúng ta biết, nhóm Sađốc, Biệt phái và Luật sĩ rất ganh ghét Chúa Giêsu, nên thường đua nhau đấu lý với Người và tìm cách để hạ bệ Người. Sau cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và nhóm Sađốc khiến nhóm này phải câm miệng (trong đoạn Tin mừng hôm qua), nhóm Biệt phái lại họp nhau để tiếp tục tranh luận với Người về giới răn trọng nhất trong sách Luật Môsê.

Khi được hỏi: “Thưa Thầy, trong lề luật, giới răn nào trọng nhất?”, Chúa Giêsu đã trích dẫn ngay điều luật thứ nhất trong Thập giới mà Thiên Chúa đã truyền cho Môsê (Đnl 6,5). Tầm mức quan trọng của điều luật này không vì thứ tự đứng thứ nhất, nhưng vì ý nghĩa của điều luật, vì việc mến Chúa là điều quan trọng, đến nỗi người Do Thái đã kết điều luật này thành kinh để đọc một ngày hai lần.

Kiểu nói: yêu Chúa “hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn” có ý diễn tả rằng, lòng yêu mến Chúa phải có tính cách toàn diện, nghĩa là phải dồn tất cả con người của mình hướng về Chúa. Yêu Chúa hết lòng là dâng trọn vẹn tình yêu cho Thiên Chúa, không chia sẻ cho bất cứ thụ tạo nào; nếu có yêu thụ tạo thì cũng yêu vì Chúa. Yêu Chúa hết linh hồn là dâng cho Chúa mọi sở hữu, đặt Chúa làm chủ của mình, còn mình chỉ là quản lý, sử dụng của cải theo ý Chúa. Yêu Chúa hết trí khôn là dâng cho Chúa bản thân mình, không còn gì đòi hỏi cho mình nữa, để hoàn toàn quy phục một mình Thiên Chúa mà thôi.

Và, “yêu thương kẻ khác như chính mình” có ý nhấn mạnh về tầm quan trọng chứ không ở bản chất đối tượng. Vì thế, không thể yêu Chúa và yêu tha nhân là một. Sự “giống nhau” ở đây đòi hỏi chúng ta không thể yêu Chúa mà lại ghét anh chị em, và ngược lại. Sự “giống nhau” này không có nghĩa là thay thế mà phải là cả hai.

Mãi mãi, hai điều luật mà Chúa Giêsu nêu ra luôn có giá trị tóm gọn tất cả lề luật. Hai giới luật này liên kết chặt chẽ với nhau, không thể tách rời được. Như lời thánh Gioan đã quả quyết: “Nếu ai nói, yêu mến Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa, Đấng mà họ không trông thấy” (1Ga 4,20).

Chúng ta thấy, thường thì người ta dễ tỏ ra yêu mến Chúa, qua việc đi nhà thờ, đọc kinh cầu nguyện...; còn yêu tha nhân thì thật là khó, vì sống với nhau, ai cũng muốn, cũng giành cho mình được hơn người khác về mọi mặt, chứ không muốn hy sinh, thiệt thòi vì anh chị em. Bởi thế, lòng yêu mến Thiên Chúa phải được đo lường bằng tình yêu đối với tha nhân. “Hãy yêu tha nhân như chính mình”, nghĩa rằng, mình yêu bản thân như thế nào thì hãy yêu tha nhân như vậy.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con hiểu rằng, yêu mến Chúa và anh chị em luôn phải được thể hiện cách cụ thể qua việc chu toàn bổn phận và sống tình liên đới trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của chúng con. Xin giúp chúng con thật sự nhìn thấy Chúa nơi anh chị em chung quanh chúng con; và cũng xin giúp chúng con luôn biết yêu anh chị em vì lòng yêu mến Chúa. Amen.

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.